10 năm kiên trì uống rượu thuốc bồi bổ, người đàn ông sững sờ khi biết lá gan ‘xơ như mướp’

Sau 10 năm uống rượu thuốc để tăng cường sinh lý, không rõ người đàn ông có khỏe “chuyện ấy” hơn hay không nhưng gan thì đã bị xơ.

Bác sĩ da liễu Zhao Zhaoming mới đây chia sẻ trong chương trình sức khỏe của Đài Loan mang tên “Sức khỏe 2.0” về trường hợp một người đàn ông 48 tuổi là công nhân đi khám vì ngứa da nhưng lại không phát hiện ra bệnh ngoài da nào.

Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ nhận thấy vùng ngực của người đàn ông hơi lớn thì nam bệnh nhân nói rằng đó là cơ ngực của anh và cho biết rất tự hào về nó. Tuy nhiên bác sĩ Zhao Zhaoming vẫn cảm thấy khác lạ nên khám kỹ hơn, bác sĩ phát hiện đó không phải cơ ngực mà là biểu hiện của bệnh gynecomastia (bệnh vú to) khiến ngực và núm vú to ra làm cho người đàn ông lầm tưởng là cơ ngực.

Sau đó bác sĩ còn phát hiện nam nhân xuất hiện nốt ruồi mạng nhện, lòng trắng mắt bị vàng và nhiều triệu chứng khác nên sau khi hội chẩn thêm đã khẳng định anh bị xơ gan.

Hỏi thăm kỹ về lối sống hàng ngày mới biết người đàn ông này có thói quen uống rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lý suốt 10 năm. Chính thói quen này đã làm tổn thương chức năng gan và gây xơ gan, từ đó khiến nam bệnh nhân bị ngứa da, vú to và vàng da.

10 năm kiên trì uống rượu thuốc bồi bổ, người đàn ông sững sờ khi biết lá gan 'xơ như mướp'

Ảnh minh họa: Internet

Uống rượu ngâm có lành và bồi bổ sức khoẻ không?

Thời gian gần đây trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận không ít các trường hợp uống rượu thuốc ngâm bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Gần đây nhất là 2 trường hợp nam giới ở Hải Dương bị ngộ độc củ ấu tẩu.

Bệnh nhân 53 tuổi và 49 tuổi. Hai người cùng uống, sau đó có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim. Một người bị tím tái, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.

Đại diện Trung tâm Chống độc cho biết, cả hai đều loạn nhịp tim, sốc, tụt huyết áp nên được truyền thuốc chữa loạn nhịp, thuốc nâng huyết áp…

Xét nghiệm nước tiểu phát hiện aconitin, chất gây loạn nhịp có trong củ ấu tẩu. Nhờ được đưa đến viện kịp thời, nên các bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là chất rất độc, một số người ngâm uống nên bị ngộ độc.

Theo chuyên gia, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Tuy nhiên, hiện nay người dân ngâm rượu tự phát, nếu không am hiểu về dược liệu có thể gây ra những ngộc độc nguy hiểm tới tính mạng.

VTC News dẫn lời Ths.BS.CKII Nguyễn Văn Thủy, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, trong dân gian mọi người thường ngâm các loại rượu phổ biến từ động vật như rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát…

Để ngâm các loại con vật, dược liệu làm thuốc hỗ trợ chữa bệnh không phải tuỳ tiện kết hợp mà cần sự hướng dẫn của bác sĩ Đông y. Việc người dân ngâm các loại củ quả, thảo mộc, động vật vào rượu không có sự kiểm soát gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí ngộ độc.

Tất cả các loại rượu người dân ngâm hiện nay về tác dụng bổ chưa được kiểm chứng, chỉ là truyền tai nhau. Khi sử dụng rượu ngâm, đầu tiên chúng ta phải biết rõ nguồn gốc và uống ở mức vừa phải. Lạm dụng rượu dưới bất cứ hình thức nào đều có thể gây hại cho sức khoẻ.

10 năm kiên trì uống rượu thuốc bồi bổ, người đàn ông sững sờ khi biết lá gan 'xơ như mướp' - 1

Ảnh minh họa: Internet

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng 10%. Đây là lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Đồng quan điểm với bác sĩ Thuỷ, TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và dùng đúng liều lượng, đúng cách.

Trường hợp mọi người ngâm rượu nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật sẽ rất nguy hiểm. Thực tế có những loại dược liệu gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà hiện rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bác sĩ khuyến cáo dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc, bởi chúng chứa nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết . Do đó việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cần sự tư vấn của bác sĩ. Nếu sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *