Bà nội xử lý chảy máu cam sai cách, cháu trai 3 tuổi suýt mất mạng

Cách cầm máu của bà nội khiến cậu bé 3 tuổi yếu dần rồi hôn mê bất tỉnh; khi được đưa đến bệnh viện, cháu đang ở bờ vực của cái chết.

Theo Báo VTC News đưa tin, bệnh viện Nhân dân châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc gần đây tiếp nhận một bé trai 3 tuổi bị chảy máu cam không ngừng. Khi đến bệnh viện, bé đã rơi vào tình trạng sốc và đang ở bên bờ vực của cái chết. Sau khi kiểm tra, bác sỹ phát hiện, tình trạng đáng sợ của bé là do viêm nhiễm hai bên khoang mũi, có sự xâm nhập của một vật thể lạ.

Hóa ra, khi bệnh nhi bị chảy máu cam, bà nội bé đã nỗ lực cầm máu theo phương thức dân gian: Bọc một nhúm tóc trong tờ giấy và nhét vào mũi cháu. Nào ngờ, cách này của bà khiến tình trạng ngày càng nặng hơn, cuối cùng cậu bé rơi vào hôn mê bất tỉnh.

Rất may là dù bé trai đã ở tình trạng nguy kịch khi đến được bệnh viện, các bác sỹ vẫn kịp thời phát hiện nguyên do và phẫu thuật cấp cứu để lấy ra gói tóc trong khoang mũi bé, sau đó áp dụng phương pháp cầm máu bằng điện.

Bà nội xử lý chảy máu cam sai cách, cháu trai 3 tuổi suýt mất mạng

Những cuộn tóc được nhét vào trong mũi bé trai để cầm máu.

Về nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu cam, ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ trên Dân Trí, tình trạng chảy máu cam xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, chảy máu cam có thể do rối loạn đông máu. Khi đó, số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm hoặc có những bất thường về chất lượng gây ra tình trạng chảy máu. Nguyên nhân thứ hai là do những viêm nhiễm tại chỗ, tức là phần thành mạch mũi bị viêm hoặc bị thiếu vitamin C dẫn đến việc suy giảm chức năng bảo vệ khiến mũi dễ bị chảy máu.

Bên cạnh đó, khi huyết áp tăng cao, sẽ dẫn đến áp lực thành mạch tăng, gây nứt vỡ thành mạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là người già dễ bị chảy máu cam. Ngoài ra, theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai, sự va đập bởi một lực mạnh trực tiếp lên phần mũi hay các tổn thương bên trong mũi gây ra do thói quen ngoáy mũi hay cạy gỉ mạnh cũng khiến mũi dễ bị chảy máu.

Bác sỹ khuyến cáo, chảy máu cam có thể là hiện tượng nguy hiểm, không nên coi thường, cũng không nên xử lý bằng các phương pháp dân gian. Thay vào đó, nên lựa chọn một trong ba phương pháp cầm máu sau:

1. Phương pháp ấn ngón tay: Nếu lượng máu chảy ra không nhiều và tập trung chủ yếu ở phần trước khoang mũi, có thể sử dụng phương pháp ấn ngón tay để làm ngừng chảy máu. Cụ thể, hãy dùng tay bóp chặt hai cánh mũi hoặc ép cánh mũi bị chảy máu vào vách ngăn mũi.

Bà nội xử lý chảy máu cam sai cách, cháu trai 3 tuổi suýt mất mạng - 1

Ảnh minh họa: Internet

2. Sử dụng thuốc cầm máu cục bộ: Đối với những trường hợp lượng máu chảy không nhiều và ở phần trước của khoang mũi, có thể sử dụng các loại thuốc làm ngừng chảy máu như epinephrine hoặc pseudoephedrine dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.

3. Phương pháp nhét khoang mũi: Đối với trường hợp máu chảy ra nhiều hơn và không thể ngừng bằng các phương pháp trên, cần sử dụng gạc vaseline nhét vào khoang mũi để cầm máu.

Không ngửa cổ lên khi bị chảy máu cam

Rất nhiều phụ huynh khi thấy con bị chảy máu cam thường cho trẻ ngửa cổ lên để ngăn dòng chảy từ mũi xuống. Tuy nhiên, đây là một cách làm sai lầm, bởi lẽ, khi đó, thay vì chảy ra phía lỗ mũi, máu lại bị “ép” chảy ngược vào trong cổ họng và xuống dạ dày. Trong trường hợp lượng máu nhiều chảy ngược đột ngột xuống cổ họng có thể gây khó thở và cảm giác buồn nôn ở trẻ.

Bà nội xử lý chảy máu cam sai cách, cháu trai 3 tuổi suýt mất mạng - 2

Những cuộn tóc được nhét vào trong mũi bé trai để cầm máu.

Mặt khác, cũng có một số phụ huynh cho trẻ cúi hẳn mặt xuống để “dốc” hết lượng máu chảy ra ngoài. Đây cũng là phương pháp không nên làm vì khi đó, áp lực dồn lên phần mặt của trẻ rất lớn, dễ khiến trẻ bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí cảm giác nhức đầu.

Khi nào cần đưa trẻ bị chảy máu cam đi gặp bác sĩ?

Nhìn chung, trẻ bị chảy máu cam thường không gây ra quá nhiều nguy hiểm hay các ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là khi được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nếu bé bị chảy máu cam với một trong những trường hợp dưới đây, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, đó là:

– Trẻ bị chảy máu cam liên tục dù đã thực hiện các biện pháp cầm máu trước đó.

– Trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, tình trạng này có thể diễn ra liên tục trong nhiều ngày hoặc nhiều lần trong một ngày mà không rõ nguyên nhân.

– Chảy máu cam kết hợp với việc chảy máu nướu răng, đi ngoài ra máu,…

– Chảy máu mũi kèm xuất huyết dưới da.

– Trẻ bị chảy máu cam kèm theo các dấu hiệu cơ thể mệt mỏi, yếu sức, tim đập nhanh chán ăn, nghẹt mũi,…

Bà nội xử lý chảy máu cam sai cách, cháu trai 3 tuổi suýt mất mạng - 3

Những cuộn tóc được nhét vào trong mũi bé trai để cầm máu.

Cách phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Để tránh tình trạng trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu như:

– Không để trẻ gặp phải các chấn thương có thể gây tổn thương hoặc ảnh hưởng tới cấu trúc mũi.

– Không để trẻ ngoáy mũi, day mũi hay đút các dị vật vào mũi.

– Nếu môi trường không khí quá khô, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để niêm mạc mũi của trẻ không bị kích thích.

– Thường xuyên vệ sinh mũi. Có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước nhỏ mũi để làm ẩm niêm mạc. Điều này nên được duy trì với trẻ có tiền sử bị dị ứng mũi, viêm xoang.

– Thường xuyên làm sạch không khí để loại bỏ các dị vật.

– Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *