Nhận kết quả con trai dương tính với HIV, người mẹ sốc, ngất lên ngất xuống khiến ai chứng kiến cũng xót xa.
Mẹ sốc khi nhận tin con nhiễm HIV
Một chiều cuối tháng 7, anh Ngô Tấn Huỳnh, một chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng (TP.HCM), cho biết từng gặp nhiều trẻ vị thành niên bị lây nhiễm HIV vì lý do “không ai ngờ tới”. Trong đó, anh nhớ nhất là trường hợp nam sinh hiện 18 tuổi, tên Trần Hoàng Minh, đang học tại một trường THPT ở TP.HCM.
Hai năm trước, Hoàng Minh học lớp 10 thì được mẹ đưa đến gặp anh Huỳnh nhờ tư vấn, kèm làm xét nghiệm HIV vì con trai từng quan hệ không an toàn với người đồng giới. Nhận kết quả Hoàng Minh dương tính với HIV, người mẹ sốc, khóc không thành tiếng, ngất lên ngất xuống.
Sau nửa ngày ngồi ở phòng tư vấn, người mẹ mới lấy lại bình tĩnh để kể lại lý do con trai mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Chị thừa nhận, mình và chồng bao bọc và chăm con quá kỹ. Thường ngày, Hoàng Minh đi đâu, làm gì cũng có cha mẹ đưa đón hoặc đi kèm.
Khi con trai bước vào tuổi dậy thì, vợ chồng chị cũng không nghĩ đến việc phải chỉ dạy cho con các vấn đề về giới tính, sinh lý hay việc tự bảo vệ mình để tránh các căn bệnh lây nhiễm… Người mẹ nghĩ rằng, mình cứ ở bên con, theo dõi sát sao con là một cách bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, chị quên việc, hiện nay, mạng xã hội phát triển, trẻ không ra ngoài vẫn có thể giao tiếp với người lạ thông qua các thiết bị điện tử. Cũng nhờ vậy, năm học lớp 10, Hoàng Minh đã quen được một anh lớn hơn tuổi và đã “yêu” không an toàn với nhau khi có điều kiện “rời xa” cha mẹ.
Một ngày, chị quan sát thấy con trai có biểu hiện sợ sệt, mệt mỏi, kèm sốt nhẹ, nổi hạch và phát ban nên rất lo lắng. Khi nghe Hoàng Minh kể lại chuyện đã trải qua, chị sốc nặng. Quan sát kỹ các dấu hiệu của con, chị nghi ngờ con nhiễm HIV hoặc một căn bệnh xã hội nào đó mới đưa đi làm xét nghiệm.
Anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết, nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu nên cơ thể Hoàng Minh có thể khống chế virus HIV phát triển thêm bằng thuốc. Sau hai năm được tư vấn và điều trị, sức khỏe nam sinh này như người bình thường nhưng vẫn phải dùng thuốc định kỳ.
Hãy “vẽ đường cho hươu chạy đúng”, đừng cấm đoán kẻo càng dễ lạc đường
Theo anh Huỳnh, lâu nay, nhiều cha mẹ cho rằng, bao bọc, sát sao từng ly từng tí thì có thể giúp con tránh khỏi những cạm bẫy ở tuổi mới lớn. Tuy nhiên, điều này là chưa đúng. “Trẻ càng ngoan, càng được cha mẹ bao bọc, càng dễ mắc sai lầm. Không chỉ Hoàng Minh, tôi đã gặp nhiều trẻ được xem là ngoan, nghe lời cha mẹ khi ở nhà nhưng ra đường một mình lại dễ bị “dụ”, bị lây nhiễm HIV hoặc các căn bệnh xã hội khác, vì các em chưa biết cách bảo vệ mình”, anh Huỳnh chia sẻ.
Anh Huỳnh giải thích, khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thích khám phá, muốn được thể hiện mình. Lúc này, nếu cha mẹ quá “canh chừng” con thì khi có điều kiện “sổ lồng”, trẻ dễ làm những việc khiến mình tò mò. Trong nhiều trường hợp, khi các em nhận ra việc làm của mình là sai thì đã quá muộn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới. Trong đó, đường lây qua quan hệ tình dục không an toàn là chủ yếu. Nếu như năm 2019 tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn là khoảng 65% thì năm 2020 đã tăng lên 75% và năm 2021 con số này là 79,1%. Điều đáng báo động là tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng, nhất là nhóm trẻ vị thành niên.
Là người tiếp xúc với nhiều trẻ nhiễm HIV, anh Huỳnh cũng cho biết, trong 100 ca anh tư vấn thì có 99 ca bị nhiễm bệnh do trẻ “yêu” không biết cách bảo vệ. Không ít trẻ bị nhiễm bệnh đều từng được cha mẹ quá chăm bẵm, hoặc cấm yêu, cấm làm chuyện người lớn. Từ những điều này, anh cho rằng, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, ngoài dạy các kiến thức khác, cha mẹ hãy dạy cho con các kiến thức về giới sinh, sức khỏe sinh sản và “yêu” như thế nào cho an toàn. “Hãy vẽ đường cho hươu chạy đúng, đừng cấm để nó phải chạy sai”, anh Huỳnh chia sẻ.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến này. “Tôi thực sự không lo lắng là chúng ta đang vẽ đường cho hươu chạy”, bác sĩ Nhi bày tỏ.
Theo bác sĩ Nhi, hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển, vì vậy trẻ được tiếp cận nhiều thông tin đa chiều hơn, nếu bị cha mẹ cấm đoán, trẻ vẫn tìm hiểu được hết. Thậm chí, nhiều trẻ vị thành niên còn biết được có bao nhiêu kiểu “yêu” khác nhau, cũng vì các em tự tìm hiểu các bài viết, các video trên mạng xã hội.
“Nhiều khi các em bị dẫn dụ vào các trang mạng của hoạt động mại dâm, các trang này lại kích thích sự tò mò muốn khám phá của người xem, nếu trẻ không biết nó là phi pháp mà tránh sẽ rất dễ bị lợi dụng. Tóm lại, cần cảnh báo trẻ, giúp trẻ hiểu được vấn đề để phòng tránh cho bản thân mình và người bạn của mình, chứ không phải là cấm đoán và e dè quan ngại khi giáo dục tình dục cho con”, bác sĩ Nhi chia sẻ.
Bác sĩ Nhi cũng cho rằng, để tránh các hậu quả không mong đợi từ các cảm xúc khó kiềm chế, cha mẹ hãy tìm hiểu để có đủ kiến thức dạy cho con biết bao cao su là gì, nó có thể ngăn ngừa lây truyền bệnh qua đường tình dục và ngăn ngừa mang thai ra sao.
“Ở các nước phương Tây, những bé gái, bé trai 11-12 tuổi đã bắt đầu được hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su và các loại thuốc tránh thai. Việt Nam chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm xem đó là việc tế nhị, che giấu để chỉ rõ cho con làm sao để có hoạt động tình dục an toàn nhất. “Việc cha mẹ cấm đoán con “yêu”, đánh đập, la mắng khi chúng mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết là hoàn toàn sai bác sĩ Nhi bày tỏ.
* Tên nam sinh đã được thay đổi
Theo Diệu Thuần (Phụ nữ & Pháp luật)