Nghe bác sĩ kết luận bệnh tình của con trai, bà mẹ tỏ ra lo lắng, nhưng hành động sau đó khiến nhiều người phẫn nộ.
Dù biết bố mẹ nào cũng đều mong những đứa con của mình sau này lớn lên sẽ trở thành người giỏi giang, thành đạt, cho nên ngay từ nhỏ đã cố gắng tạo mọi điều kiện để con phát triển. Thế nhưng để con phát triển tự do hoàn toàn khác với việc bố mẹ ép buộc con phát triển theo những mong muốn của bản thân mình.
Trên thực tế, vì để con sớm thành công, vượt bạn bè đồng trang lứa mà không ít ông bố bà mẹ “ép” con học quá sức, dẫn đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách, nghiêm trọng hơn là tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Chẳng hạn như một trường hợp thực tế đang “dậy sóng” MXH Trung Quốc dạo gần đây, gây phẫn nộ đối với nhiều người, đó là câu chuyện về một cậu bé 10 tuổi ở Trung Quốc. Cậu bé tên là Bách Hạo, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở Hàng Châu. Bách Hạo rất thông minh và học rất giỏi, điểm số của cậu bé luôn xếp vào hàng xuất sắc nhất lớp.
Tuy nhiên, bố mẹ của Bách Hạo nổi tiếng là “bố mẹ hổ”, luôn rất nghiêm khắc, đặt nặng vấn đề thành tích học tập của con cái. Ngoài việc yêu cầu con trai phải hoàn thành bài tập về nhà mỗi ngày, Bách Hạo cũng sẽ được yêu cầu phải hoàn thành các bài tập phụ do mẹ đặt ra. Mặc dù cậu bé luôn rất cố gắng và nỗ lực trong việc học, nhưng mỗi lần cậu không đạt được vị trí dẫn đầu trong các kỳ thi, thì sẽ ngay lập tức chịu cơn quát mắng, chì chiết dữ dội từ bố mẹ.
Vài ngày trước, khi Bách Hạo được mẹ nhắc nhở vào phòng làm bài tập, thì đột nhiên cậu bé có biểu hiện co giật toàn thân, sau đó ngã xuống đất. Người mẹ chứng kiến cảnh tượng này mà sợ khiếp vía, vô cùng hoảng vì không biết con trai bị gì, tuy nhiên được vài phút thì Bách Hạo liền trở lại trạng thái bình thường. Điều này đã khiến người mẹ tỏ ra chủ quan, nghĩ rằng con trai không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng.
Thế nhưng khoảng thời gian sau đó, tình huống tương tự xảy ra thường xuyên hơn. Mãi cho đến tháng trước, nhận thức được sự việc không đơn giản nên bố mẹ mới quyết định đưa Bách Hạo đến bệnh viện kiểm tra và điều trị. Lúc này, khi nghe kết luận từ bác sĩ rằng “tình hình không mấy khả quan, bệnh tình cậu bé đang trở nên rất nghiêm trọng”, người mẹ mới có chút lo lắng.
Cụ thể, Bách Hạo được chẩn đoán mắc chứng cuồng loạn (hay còn gọi là rối loạn chuyển đổi phân ly) do áp lực quá lớn. Theo báo cáo, những bệnh nhân mắc loại bệnh này có biểu hiện mất đi một phần, hoặc toàn bộ khả năng tích hợp các chức năng tâm lý và thể chất một cách không chủ ý và gián đoạn, và họ không thể thống nhất về nhận thức, trí nhớ, cảm xúc, hành vi của bản thân.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không ngờ tới, thậm chí vô cùng phẫn nộ là dù biết nguyên nhân khiến con trai rơi vào tình trạng này, nhưng người mẹ vẫn thản nhiên đề cập đến việc học hành, còn kiểm tra khả năng ghi nhớ bảng cửu chương trong thời gian con trai nhập viện. Không những mẹ, mà người bố của Bách Hạo cũng không bộc lộ sự xót xa trước bệnh tình của con trai, mà thay vào đó là bày tỏ niềm tin rằng con trai có thể hồi phục ngay lập tức, và nghĩ rằng việc học của Bách Hạo không nên bị trì hoãn quá lâu.
Bất lực trước thái độ của bố mẹ Bách Hạo, cuối cùng vị bác sĩ điều trị cho cậu bé không còn cách nào khác đành đưa ra yêu cầu bố mẹ cậu bé hợp tác điều trị, để cậu bé ở lại bệnh viện, và hai người có thể về nhà. Ở bệnh viện, sẽ có y tá và bác sĩ chăm lo cho Bách Hạo. Vì cậu bé đang gặp vấn đề về tâm lý, nên việc bố mẹ ở lại và gây áp lực sẽ càng khiến bệnh tình trở nên nặng hơn. Vậy nên, bác sĩ điều trị cho Bách Hạo mới đưa ra yêu cầu trên, để cậu bé có thể yên tâm điều trị trong bệnh viện.
Sau khi được chữa trị tích cực, tình trạng của Bách Hạo cải thiện rất đáng kể, chứng mất ngủ của cậu bé dần mất đi. Bách Hạo cao thêm 2 cm và tăng 4 kg so với trước đây. Ngày gần xuất viện, bác sĩ phụ trách đã có một cuộc nói chuyện riêng với bố mẹ của Bách Hạo, và nó đã thực sự có hiệu quả. Bố mẹ của cậu bé đã nghiêm túc suy ngẫm và nhận ra sai lầm của bản thân, người mẹ sau khi rời khỏi phòng của vị bác sĩ điều trị cho Bách Hạo, đã gục xuống hành lang bệnh viện, ôm mặt khóc nức nở.
Xin bố mẹ đừng “ép” con học
Tuổi thơ là khoảng thời gian quan trọng và đáng quý của mỗi đứa trẻ, nơi chứa đựng nhiều niềm vui, kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ. Những kỷ niệm đó sẽ trở thành tài sản vô giá khi đứa trẻ lớn lên, và luôn là nguồn động lực để chúng tiếp tục phát triển trong cuộc sống.
Vì thế, trong giai đoạn tuổi thơ của trẻ, bố mẹ cần dành thời gian để tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cùng con cái. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh hơn, đồng thời tạo ra một môi trường gia đình ấm áp và yêu thương.
Tuy nhiên, ép buộc trẻ học quá nhiều có thể gây ra những tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Khi bố mẹ quá tập trung vào việc học tập của con, họ có thể bỏ qua những nhu cầu tâm lý và cảm xúc của trẻ, gây ra căng thẳng và xung đột trong gia đình. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vì vậy, việc bố mẹ không ép buộc con cái học quá mức là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh. Thay vì tập trung hoàn toàn vào việc học tập, các bậc phụ huynh có thể tạo ra một môi trường gia đình ủng hộ và khuyến khích để trẻ có cơ hội phát triển và bộc lộ những sở thích và năng lực tiềm ẩn của mình.
Ngoài ra, các ông bố bà mẹ cũng cần nhận thức được rằng, việc giáo dục con cái không chỉ là việc học hành mà còn bao gồm việc rèn luyện kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo, và khả năng tự lập trong cuộc sống. Điều này có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành người tự tin, độc lập và có khả năng đối phó với những thách thức trong tương lai.
Theo Kiều Trang (Phụ Nữ & Pháp Luật)