Độc tố trong hoa chuông nguy hiểm thế nào mà người ăn có thể bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong?

Sau khi ăn món hoa chuông xào trứng gà, 8 người ở Xín Mần, Hà Giang đã phải nhập viện cấp cứu. Trên thực tế, tình trạng ngộ độc hoa chuông vẫn xảy ra rải rác ở nhiều nơi.

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, ngày 8/8, bệnh viện đã cấp cứu cho 8 bệnh nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. 8 người này sau khi lao động và làm việc ở xã Chí Cà, huyện Xín Mần đã cùng nhau ăn cơm, uống rượu. Trong bữa cơm có món hoa chuông xào trứng gà.

Theo lời kể của người nhà, sau khi ăn cơm khoảng nửa tiếng, tất cả 8 người có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… và được đưa đến BVĐK huyện Xín Mần cấp cứu. Khi nhập viện, có 4 bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn như: mạch đập nhanh, thở gấp, đau ngực, ý thức lơ mơ, đồng tử giãn nhẹ…

Sau nhiều giờ điều trị tích cực, cả 8 bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo, bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc theo dõi tại bệnh viện.

Trước đó, vào ngày 25/4/2023, cũng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tại thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh xảy ra vụ ngộ độc do ăn hoa chuông làm 4 người bị ngộ độc, may mắn không có người tử vong.

Độc tố trong hoa chuông nguy hiểm thế nào mà người ăn có thể bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong?

Cây hoa chuông có chứa độc tố nguy hiểm. Ảnh minh họa: Internet

Ngày 31/3/2022, có 10 người tại thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phải nhập viện điều trị do ăn nhầm cây hoa chuông. Những người này sau khi ăn bữa tối với 5 món gồm: canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng, ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.

Sau ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ thì 10 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám và điều trị. Một số người bị nặng, có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái được đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa cấp cứu. May mắn sau khi điều trị 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Qua điều tra, người nấu bữa tối cho biết, do trời tối cộng với cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng cảy dẫn đến hái nhầm để nấu ăn gây ra vụ ngộ độc trên…

Trao đổi với VietNamNet, Lương y Bùi Đắc Sáng – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, hiện nay, trên thế giới có khoảng 350.000 loài thực vật có hoa. Hầu hết trong số chúng là những loài hoa đẹp, không gây hại. Tuy nhiên, một số ít mang trên mình vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút nhưng lại ẩn chứa những độc tố có thể gây chết người.

Hoa chuông là một dòng hoa loa kèn. Hoa này còn có nhiều tên gọi khác nhau cánh báo độc như hơi thở của quý, kèn của thiên thần. Hoa chuông có bề ngoài đẹp, lạ và có nhiều màu như màu trắng, vàng nhạt, vàng pha hồng. Nhiều gia đình trồng làm hoa cảnh, trồng ở các vườn hoa, khu du lịch. Nhìn bên ngoài, loài hoa này tưởng chừng như vô hại. Thực tế, đây là loài hoa có chứa độc tố khủng khiếp.

Lương y Sáng cho biết nhiều vùng ở Colombia còn cảnh báo chỉ cần ngửi hoa, nạn nhân sẽ lập tức rơi vào tình trạng vô thức, không kiểm soát được hành vi, nói năng lảm nhảm. Chất chiết xuất từ hoa này được cho là phương tiện để tội phạm thôi miên, đầu độc nạn nhân.

Được biết, độc tố của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…

Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do đó người dân tuyệt đối không hái các loại rau rừng lạ, các loại hoa để làm thực phẩm. Đặc biệt, các địa phương nên tuyên truyền cho người dân về độc tính của hoa chuông. Đặc biệt, trẻ em không nên hái hoa, lại gần hoa. Trường hợp ăn phải hoa chuông cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ.

PN (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *