Không chỉ tổ chức lễ Hằng Thuận, cô dâu Hoàng Kim cùng chú rể Huang Van còn tổ chức đám hỏi theo đúng truyền thống của Việt Nam.
Hoàng Kim sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Sau nhiều một thời gian tìm hiểu và hẹn hò với Huang Van – chàng trai mang trong mình hai dòng máu Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), cả hai quyết định về chung một nhà với hôn lễ được tổ chức theo các nghi thức cưới hỏi truyền thống của Việt Nam.
Lễ Hằng Thuận và những răn nhắc về tình nghĩa vợ chồng
Nếu bạn chưa biết: Lễ Hằng Thuận là một nghi thức lễ cưới theo kiểu Phật Giáo, dưới sự minh chứng của Đức Phật và các phật tử cùng sự chúc mừng của 2 bên gia đình. Những người theo đạo Phật tin rằng việc tổ chức lễ Hằng Thuận sẽ giúp các cặp vợ chồng thấu hiểu và có mối tình trăm năm hạnh phúc, vì từ “Hằng” mang nghĩa vĩnh cửu, còn “Thuận” chính là hòa thuận, hòa hợp.
Cô dâu Hoàng Kim là người theo đạo Phật và lễ Hằng Thuận cùng chú rể được tổ chức cùng ngày với lễ cưới.
Trong buổi lễ Hằng Thuận này, ngoài việc nhận lời chúc phúc từ các phật tử và hai bên gia đình, cô dâu và chú rể cũng được Sư thầy răn nhắc về những điều không thể thiếu của tình nghĩa vợ chồng, bao gồm: Luôn giữ gìn ngũ giới, sống có đạo đức, chung sống hòa thuận, nhường nhịn, tương kính nhau; cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ và con cái. Đồng thời, làm tròn nghĩa vụ của một công dân với quê hương, đất nước và luôn hướng đến con đường chánh thiện.
Một ngày trước lễ Hằng Thuận, lễ ăn hỏi cũng được cặp đôi tổ chức đúng theo truyền thống với trang phục áo dài và 7 tráp lễ.
Lễ cưới mở màn với phần múa lân đặc biệt
Ngay sau khi hoàn thành lễ Hằng Thuận, cô dâu, chú rể cùng sư thầy và người thân di chuyển tới địa điểm tổ chức tiệc cưới ở bang Taxas (Mỹ).
Trước khi tiệc cưới chính thức bắt đầu, cặp đôi trẻ “chiêu đãi” những người bạn bè quốc tế của mình bằng màn múa lân.
Trong ngày trọng đại của mình, cặp đôi quyết định không đóng vest hay mặc váy cưới mà sẽ diện trang phục truyền thống là áo dài. Cô dâu Hoàng Kim đội vấn màu trắng và diện áo dài cùng màu với phần cánh tay cách tân nhờ họa tiết ren. Chú rể Huang Van mặc áo dài màu xanh cô ban với các họa tiết dập nổi trên thân áo.
Một điểm đặc biệt trong lễ cưới này chính là cả bố và mẹ đều dẫn tay cô con gái Hoàng Kim lên lễ đường, thay vì một mình người bố dẫn tay con gái trao cho chú rể như những hôn lễ khác.
Cặp đôi trẻ trao cho nhau những lời thề nguyện trước sự chứng giám của sư thầy và không quên cúi người cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ.
Chia sẻ sau lễ cưới, cô dâu Hoàng Kim cho biết: “Cả bố mẹ tôi và bố mẹ của Huang Van đều không có một lễ cưới linh đình. Chúng tôi vô cùng biết ơn vì bố mẹ đã nuôi dạy và cho mình những điều kiện sống tốt nhất trong khả năng của họ.
Tôi nghĩ rằng việc tổ chức một lễ cưới theo truyền thống chứ không phá cách hiện đại cũng là một cách báo đáp về ơn nghĩa sinh thành. Dù bố mẹ không ép, nhưng chúng tôi tin rằng khi nhìn đám cưới của con trai, con gái mình, bố mẹ có thể sẽ phần nào cảm thấy bớt nuối tiếc vì khi xưa bản thân đã chưa có đủ điều kiện để tổ chức hôn lễ của chính mình”.
Theo AMT (Phụ Nữ Việt Nam)