Mới đây, tòa án ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đưa ra phán quyết cuối cùng vụ mẹ kiện con vì không làm tròn chữ hiếu.
Mới đây, Tòa án Nhân dân quận Đông Thành, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã xét xử một vụ tranh chấp, trong đó người mẹ đã kiện con trai, yêu cầu trả lại tiền mua nhà vì đã không làm tròn chữ hiếu suốt hơn 2 năm.
Dựa trên các bằng chứng, Tòa án quận Đông Thành đã xử thắng cho người mẹ. Theo đó, anh con trai phải trả lại cho mẹ số tiền 3,7 triệu NDT (hơn 12 tỷ đồng).
Truyền thông Trung Quốc cho rằng phán quyết của tòa án trong trường hợp này phù hợp với các nguyên tắc trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục và công bằng, có tính đến sự cân bằng lợi ích và duy trì trật tự xã hội. Vụ kiện này cũng truyền tải một định hướng giá trị rõ ràng cho xã hội: Người trẻ phải tự lực, tự cường, không nên đòi hỏi cha mẹ vô điều kiện và nên biết ơn sự cưu mang của đấng sinh thành; đồng thời, tích cực làm tròn nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, làm tròn trách nhiệm hiếu thảo, kính trọng người cao tuổi.
Mẹ kiện con trai và đòi lại tiền mua nhà
Tiểu Dương là con trai duy nhất và sống với mẹ trong ngôi nhà ở quận Đông Thành, Bắc Kinh trước khi đi du học.
Năm 2017, Tiểu Dương vừa du học trở về, bắt đầu làm việc. Nghĩ rằng con trai đã đến tuổi lập gia đình và căn nhà hiện tại quá chật hẹp, mẹ của Dương quyết định bán căn nhà đang đứng tên mình rồi dùng số tiền đó mua một căn nhà lớn hơn và sống cùng gia đình con trai trong tương lai.
Tháng 5/2018, ngôi nhà dưới tên của mẹ Dương đã được bán thành công với giá 3,7 triệu NDT (hơn 12 tỷ đồng). Sau đó, mẹ Dương đã chuyển số tiền này cho anh thành nhiều lần để mua một căn nhà lớn hơn ở quận Thông Châu. Tháng 9 cùng năm, Tiểu Dương đã nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu ngôi nhà, trong đó ghi rằng ngôi nhà chỉ thuộc sở hữu của riêng anh.
Tháng 6/2019, Tiểu Dương kết hôn và hai vợ chồng sống cùng mẹ trong căn nhà mới mua. Không lâu sau, vợ của Tiểu Dương đã nảy sinh mâu thuẫn với mẹ chồng. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Tiểu Dương và mẹ cũng không ngừng xấu đi. Sau đó, hai vợ chồng trẻ dọn ra khỏi nhà ở Thông Châu. Tháng 10/2019, vì vợ lại cãi nhau với mẹ nên Tiểu Dương đã chặn WeChat của mẹ trong cơn tức giận.
Sau hơn hai năm, Tiểu Dương và mẹ không hề có bất kỳ liên lạc nào, thậm chí anh còn không gọi cho mẹ một cuộc điện thoại, mọi chuyện đều được thông qua những người thân khác truyền đạt lại. Tiểu Dương cũng nhiều lần phàn nàn với người thân rằng anh muốn mẹ dọn ra khỏi nhà ở Thông Châu.
Đến năm 2022, khi thấy con gái sắp tròn ba tuổi và đến tuổi đi mẫu giáo, để giải quyết vấn đề cho con gái đi học, Tiểu Dương đã gửi tin nhắn WeChat cho bà ngoại. Trong tin nhắn, anh đưa ra ba giải pháp, giải pháp thứ ba ghi rõ: “Bán căn nhà ở Thông Châu, để mẹ lấy đúng số tiền mua nhà ban đầu để mua một căn nhà khác, còn cháu sẽ tiết kiệm tiền mua nhà riêng”.
Tiểu Dương cũng nói trên WeChat với bà ngoại rằng: “Nếu mẹ không đồng ý với ba cách giải quyết này, cháu sẽ kiện mẹ sau 1 tháng nữa. Nếu thực sự ra tòa, tình mẹ con xem như chấm dứt, cháu sẽ không để mâu thuẫn ở thế hệ trước tiếp diễn”.
Mẹ của Dương hoàn toàn thất vọng khi đọc được dòng tin nhắn của con trai. Bà lo lắng rằng nếu Tiểu Dương đâm đơn kiện thì bản thân sẽ trở thành người vô gia cư, vì vậy bà đã kiện lên Tòa án quận Đông Thành và yêu cầu Tiểu Dương trả lại số tiền 3,7 triệu NDT để sử dụng sau này dưỡng lão.
Tiền mua nhà là khoản vay hay quà tặng?
Trong phiên tòa, mẹ Dương và con trai không đồng ý về bản chất của số tiền. Mẹ của Dương tin rằng bà chưa bao giờ nói tặng 3,7 triệu NDT cho con trai, và nó nên được coi là một khoản vay. Tiểu Dương lại cho rằng 3,7 triệu NDT là do mẹ tặng cho mình.
Mẹ của Dương cho biết vì tình mẹ con nên bà không ký vào hợp đồng vay và đưa ra những điều khoản kèm theo. Mặc dù việc cha mẹ hỗ trợ tài chính cho con cái là điều bình thường, nhưng không thể được coi là chuyện đương nhiên và chắc chắn không được pháp luật ủng hộ. Sau khi con thành niên, cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Khoản đóng góp của cha mẹ để mua nhà cho con được coi là khoản vay tạm thời với mục đích hỗ trợ và con có nghĩa vụ hoàn trả, trừ trường hợp tặng cho có giấy tờ rõ ràng.
Mẹ của Dương cũng cho biết bà không còn căn nhà nào đứng tên mình, con trai Tiểu Dương có quan hệ không tốt với bà, bà không có quyền định đoạt căn nhà dưới tên Tiểu Dương, đồng thời có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Trong phiên tòa, mẹ của Dương đã nộp các bằng chứng như hồ sơ chuyển khoản, sao kê ngân hàng và nội dung các cuộc hội thoại trên WeChat.
Tiểu Dương cho rằng việc vay tiền giữa anh và mẹ không có bất kỳ thỏa thuận nào, mẹ đã bán căn nhà do bà đứng tên để mua nhà cưới cho mình, bản thân anh cũng chưa từng bày tỏ ý định vay tiền từ mẹ. Ngoài ra, mẹ chưa bao giờ hối anh phải trả tiền. Do đó, Tiểu Dương tin rằng số tiền này là do mẹ tặng cho.
Tiểu Dương cho biết, khi mẹ chuyển số tiền này cho anh, anh đang chuẩn bị kết hôn, là một người mẹ nên có “thói quen và phong tục” mua bất động sản cho con cái, số tiền này cũng sẽ được dùng làm vốn để xây dựng một gia đình mới. Trong trường hợp mục đích không rõ ràng thì việc chi tiền ra phải được công nhận là quà tặng theo lẽ phải chung của xã hội.
Phán quyết cuối cùng của tòa án: Phần thắng thuộc về ai?
Sau phiên điều trần, Tòa án quận Đông Thành cho rằng trọng tâm của tranh chấp trong vụ án là làm thế nào để xác định bản chất của khoản tiền 3,7 triệu NDT mà mẹ của Dương đã chuyển cho con trai để mua nhà.
Dưới góc độ quy định của pháp luật Trung Quốc, trong trường hợp này, mẹ Dương đã căn cứ vào chứng từ chuyển khoản và nội dung WeChat mà Tiểu Dương gửi cho bà ngoại, cho rằng số tiền 3,7 triệu NDT mang tính chất cho vay, trong khi Tiểu Dương lập luận rằng số tiền này mang tính chất quà tặng.
Tuy nhiên, Tiểu Dương không có bằng chứng chứng minh rằng mẹ anh đã nói rõ ràng rằng số tiền liên quan đến vụ tranh chấp là một món quà, anh chỉ tự đưa ra nhận định này dựa trên mối quan hệ mẹ con và thực tế là số tiền đã được dùng để mua một ngôi nhà cưới cho anh.
Về vấn đề này, tòa án cho rằng Tiểu Dương đã nói rõ trong nội dung trò chuyện với bà ngoại rằng “bán căn nhà ở Thông Châu, để mẹ lấy đúng số tiền mua nhà ban đầu để mua một căn nhà khác, còn cháu sẽ tiết kiệm tiền mua nhà riêng”. Điều này cho thấy việc Tiểu Dương đồng ý trả lại 3,7 triệu NDT liên quan đến vụ tranh chấp cho mẹ đã được thành lập.
Dưới góc độ đạo đức, mặc dù theo quan niệm truyền thống và điều kiện thực tế ở Trung Quốc, việc cha mẹ đầu tư mua nhà cho con cái để làm quà biếu đám cưới rất phổ biến. Tuy nhiên, việc cha mẹ mua nhà cho con không phải là nghĩa vụ pháp lý, sau khi con trưởng thành thì cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng và không còn trách nhiệm nữa.
Ngược lại, theo những điều luật về bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi của Trung Quốc, con cái trưởng thành có nghĩa vụ pháp lý hỗ trợ và bảo vệ cha mẹ.
Trong trường hợp này, mẹ của Dương, với tư cách là một bà mẹ đơn thân, đã bán căn nhà ban đầu của mình và không còn bất kỳ bất động sản nào đứng tên bà. Tuy nhiên, con trai của bà, Tiểu Dương, đã không liên lạc với mẹ trong một thời gian dài do mâu thuẫn giữa vợ và mẹ, không làm tròn bổn phận phụng dưỡng mẹ. Nếu xác định số tiền liên quan đến vụ án là quà biếu, người mẹ không những không có tiền tiết kiệm mà còn có thể đứng trước nguy cơ bị con trai đuổi ra khỏi nhà khi mối quan hệ mẹ con không hòa thuận. Do đó, từ góc độ công bằng lợi ích, số tiền liên quan trong vụ tranh chấp không nên được nhận định thành quà tặng.
Tòa án quận Đông Thành đưa ra phán quyết cuối cùng rằng 3,7 triệu NDT mà mẹ Dương cho con trai bà phải là một khoản vay và Tiểu Dương phải trả lại khoản tiền gốc 3,7 triệu NDT cho mẹ.
Theo Trung Hạ (Phụ Nữ Mới)