Bí đao có tác dụng làm tiêu nước dư trong cơ thể, giảm béo, giảm cân, giữ eo thon cho phụ nữ nhưng nếu không biết cách sử dụng hiệu quả sẽ ngược lại.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những bí quyết, thậm chí là cả thực đơn để giúp người thừa cân, béo phì giảm cân hiệu quả. Đáng nói, có không ít những loại thực phẩm quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày được gắn mác “thần dược” giảm cân. Tuy nhiên, trong quá trình trải nghiệm, không ít người đã phải nhận “trái đắng”, thậm chí gặp tác dụng nguy hiểm đến tính mạng.
Chị Kim Thanh (32 tuổi, ở Hà Nội) sau gần 3 tuần dùng bí đao để giảm cân đã phải “cầu cứu” bác sĩ vì sức khỏe gặp vấn đề khá nghiêm trọng. Chị Thanh cho biết, ban đầu chị học theo công thức trên mạng, dùng bí đao làm thực phẩm chính. Mỗi ngày, chị ăn rất ít tinh bột, cắt hẳn chất béo và chất đạm, chỉ ăn canh bí, bí đao luộc (uống hết cả nước) và uống nước ép bí đao vào buổi tối.
Theo như chia sẻ chị đọc được, cách này ngoài hạn chế năng lượng nạp vào cơ thể, việc uống nước ép bí đao buổi tối còn giúp thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố, lại đẹp da…
Sau gần 3 tuần áp dụng, chị Kim Thanh phải tới một bệnh viện tư nhân gần nhà khám gấp, vì ngoài tình trạng hoa mắt, chóng mặt, chị còn bị tiêu chảy cấp. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là do chị suy nhược cơ thể, ăn uống không đủ chất và uống quá nhiều nước bí đao.
Trao đổi với Tri thức & Cuộc sống, TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, sở dĩ mọi người gặp nạn khi giảm cân bằng những thực phẩm trên là do “thần thánh hóa” cũng như áp dụng không đúng cách và phản khoa học. Về bản chất, những thực phẩm trên đều có tác dụng hỗ trợ giảm cân nhất định.
Theo phân tích của bác sĩ Sơn, bí đao nhiều nước và giàu chất xơ, là thực phẩm hỗ trợ giảm cân rất tốt. Nhưng trong quá trình sử dụng không nên chỉ ăn nguyên bí đao, mà cần kết hợp với một số thực phẩm khác. Chẳng hạn, có thể ăn canh bí đao, bí đao luộc trước khi ăn cơm và các thực phẩm giàu đạm để tăng cảm giác no. Ngoài ra, cũng có thể uống nước ép bí đao nhưng chỉ dùng 3-4 lần/tuần, không nên dùng hằng ngày.
Bác sĩ Sơn cho rằng, giảm cân là một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn. Trong suốt quá trình giảm cân bạn vẫn cần ăn cân đối, đa dạng thực phẩm để cơ thể hoạt động. Không nên chỉ tập trung vào một loại thực phẩm, vì dù loại đó có tốt đến đâu nhưng khi ăn quá nhiều sẽ làm tăng tổng năng lượng nạp vào, ảnh hưởng đến tiêu hóa và không mang lại hiệu quả giảm cân như mong muốn. Không nên quá lạm dụng bất kì loại thực phẩm nào trong quá trình giảm cân.
Ăn quá nhiều bí đao có thể gây thiếu chất, sức khỏe giảm sút
Bí đao là loại thực phẩm được đánh giá là “lành tính” nhưng nếu các bạn ăn quá nhiều bí đao sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất và sức khoẻ dần bị giảm sút. Nguyên nhân của việc này là do lượng calo trong bí đao khá thấp, 100g bí đao chỉ cung cấp 13 calo trong khi cơ thể mỗi người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 2000 – 2200 calo nếu làm các công việc nhẹ nhàng. Ăn nhiều bí đao sẽ khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng dẫn đến sức khỏe giảm sút.
Trong thành phần dinh dưỡng của quả bí đao cũng có chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. Nếu so sánh với các loại rau khác thì hàm lượng dinh dưỡng trong bí đao tương đối thấp. Khi các bạn ăn nhiều bí đao thì sẽ không ăn được đa dạng các loại thực phẩm khác dẫn đến cơ thể thiếu chất do hàm lượng vitamin và khoáng chất bị thiếu hụt.
Bí đao bị đắng có thể gây ngộ độc Cucurbitacin
Một trong những tác hại của bí đao đó là có thể gây ngộ độc nhưng rất ít người biết đến. Trong các cây họ bầu bí đều chứa một lượng rất nhỏ Cucurbitacin có tác dụng rất tốt cho cơ thể. Thông thường thì hàm lượng Cucurbitacin này rất nhỏ nhưng do yếu tố thời tiết, sâu bệnh hay mất cân bằng dinh dưỡng mà thân và quả của cây thuộc họ bầu bí có thể tập trung hàm lượng lớn Cucurbitacin. Nếu bí đao chứa hàm lượng Cucurbitacin cao thì khi chế biến món ăn bạn sẽ thấy quả bị đắng. Nếu bạn ăn các món ăn từ quả bí đao bị đắng thì có thể khiến cơ thể bị ngộ độc Cucurbitacin.
Việc ngộ độc Cucurbitacin trên bí xanh chưa có ghi nhận ai tử vong nhưng ngộ độc Cucurbitacin trên bí đỏ và quả bầu đã ghi nhận ít nhất một trường hợp tử vong ở Đức và Ấn Độ. Do đó, các bạn nên cảnh giác không nên ăn bí đao khi bị đắng.
Những người không nên ăn bí đao
Không phải người nào ăn bí xanh cũng tốt. Có một số trường hợp nếu ăn bí xanh sẽ gây bất lợi cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không nên ăn loại quả này.
Những người bị huyết áp thấp thì không nên giảm cân bằng bí đao. Bởi thành phần của bí đao rất ít calo nên sẽ làm hạ huyết áp nhanh, dễ gây ra đột quỵ. Với những đối tượng này chỉ nên coi bí đao như một loại rau, một loại thức uống phụ sau mỗi bữa cơm.
Người có cơ địa lạnh: Bí đao tính mát, người có cơ địa lạnh nên dùng liều lượng ít rồi tăng dần mỗi ngày để cơ thể thích nghi. Người bị tì vị hư hàn, hay bị chướng bụng, tiêu chảy tốt nhất nên hạn chế ăn bí đao.
Người bị dị ứng: Không dùng cho người mắc chứng tâm dương hư gặp lạnh hay hồi hộp (tâm quý). Người bị dị ứng mẩn ngứa khi gặp gió lạnh (biểu hàn) cũng không nên dùng.
PN (SHTT)