Căn bệnh mà người phụ nữ Trung Quốc này mắc phải khác xa những gì người ta nghĩ.
Một căn bệnh quái ác có thể đưa cả gia đình vào cảnh khốn cùng, buộc cha mẹ già phải tần tảo chăm sóc đứa con tuổi thành niên. Thế nhưng sẽ ra sao nếu căn bệnh đó chỉ là một phần của sự thật?
20 năm liệt giường
Ngô Quế Anh sinh ra trong gia đình có 7 người con, cô là con út và cũng là đứa con cưng của bố mẹ. Dù gia cảnh nghèo, Quế Anh luôn được bố mẹ chiều chuộng, chẳng phải động tay tới bất kỳ việc nhà nào. Anh chị em trong nhà nhiều lần bất mãn vì bố mẹ thiên vị cô em út.
Năm 15 tuổi, Quế Anh và anh cả xảy ra mâu thuẫn ở nhà. Người anh giận dữ vung cú tát giáng trời vào mặt cô em út. Cô nằm gục trên sàn nhà, gào khóc, la hét không ngừng. Người mẹ từ đầu làng vội vã chạy về đỡ cô con gái dậy nhưng cô quyết không chịu đứng lên cho đến khi người anh chịu xin lỗi. Cảnh tượng này khiến cả gia đình ngán ngẩm.
Cứ nghĩ mọi chuyện đã dừng lại ở đó, nào ngờ những ngày sau đó, Ngô Quế Anh ngủ dậy bỗng thấy toàn thân không thể động đậy, chỉ có phần đầu nhúc nhích gào khóc gọi mẹ.
Người mẹ hoảng hốt đưa con gái đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ không giải thích được lý do, cũng không tìm ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nên cô con gái lại bị trả về nhà. Mẹ cô cũng muốn đưa con đến khám ở những bệnh viện lớn hơn nhưng tài chính gia đình eo hẹp lại nuôi 9 miệng ăn nên bà cứ chần chừ mãi rồi lại thôi.
Suốt 20 năm sau, Ngô Quế Anh vẫn là trung tâm sự chú ý của cả gia đình. Cô hoàn toàn nằm liệt trên giường, được bố mẹ và các anh chị em chăm sóc từ miếng cơm giấc ngủ. Nhất là người mẹ già mỗi ngày đều nấu nướng, lau người, xoa bóp cho cô con gái.
Tới năm 2007, mẹ cô qua đời ở tuổi 73 vì lao lực. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà còn dặn dò người con gái thứ 3 phải đón em về chăm sóc. Người chị Ngô Quế Linh có gia cảnh khá giả, lại tốt bụng, yêu thương mẹ nên đồng ý đưa em về ngay. Lúc này chân tướng sự việc mới dần lộ ra.
Sự thật về căn bệnh
Quế Linh đón em về chăm sóc chu đáo, mỗi ngày đều dành thời gian chuyện trò cùng cô em đau ốm.
Mãi cho tới năm 2009, con gái của Quế Linh hoảng loạn kể loại chuyện thấy một bóng người kỳ lạ đi lại trong phòng của dì. Nghi trong nhà có kẻ gian đột nhập, Quế Linh về nhà kiểm tra thì chỉ thấy em mình đang yên vị nằm ngủ trên giường. Khi được hỏi có thấy ai vào nhà không, Quế Anh chỉ trả lời mình đang ngủ say nên không biết chuyện gì.
Mấy ngày sau, chính mắt Quế Linh cũng thấy bóng người tương tự đi lại trong phòng. Sự việc kỳ lạ diễn ra lặp đi lặp lại trong nhiều tuần khiến cô lo lắng, Quế Linh quyết định lắp một chiếc camera trong phòng cô em để tìm ra chân tướng.
Lúc này cô mới hoảng loạn nhận ra, mỗi ngày khi mình đi vắng, cô em gái đều tự ngồi dậy, miệng liên tục lẩm bẩm một thứ ngôn ngữ lạ cho đến khi có ai đó trở về nhà. Quế Linh tra hỏi em gái về hành động này nhưng cô em gào khóc nói mình không hề biết gì. Người chị quyết định đưa ngay cô em đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ khẳng định cơ thể của Quế Anh không hề có dấu hiệu bị liệt, cô chỉ bị teo cơ do nhiều năm không vận động. Song vấn đề lớn nhất của người phụ nữ này nằm ở một căn bệnh tâm thần có tên là Hysteria hay còn gọi là chứng rối loạn phân ly. Bệnh này thường phát sinh từ sự lo lắng quá mức, không thể điều khiển được các cảm xúc và thường là kết quả từ những cuộc xung đột nội tâm bị dồn nén.
Trong trường hợp của Ngô Quế Anh, căn bệnh biểu hiện thông qua hành động la hét, giãy dụa chỉ để được người khác chú ý. Người phụ nữ này đã sinh ra ảo giác và tự ám thị rằng mình bị liệt, mình biết ngôn ngữ khác. Hành động tự ám thị diễn ra quá lâu đến mức không thể phân biệt được thật giả.
Các bác sĩ thực hiện trị liệu cho Quế Anh trong vài ngày, ngay sau đó, cô đã có thể đứng dậy đi lại trong phòng. Cả gia đình đều sửng sốt trước sự tiến bộ này.
Nhiều người cho rằng Ngô Quế Anh lúc còn nhỏ do quá quen với sự nuông chiều nên tủi thân khi bị anh trai tát, cô chọn cách giả vờ nằm liệt để trả thù anh trai và đòi hỏi sự quan tâm của mẹ. Màn kịch kéo dài suốt 20 năm đến mức cô tự “thao túng” tâm trí của chính mình.
Câu chuyện lạ của Ngô Quế Anh khiến nhiều người bày tỏ tiếc nuối. Tiếc cho người phụ nữ đã không được chăm sóc y tế sớm hơn để đánh mất tuổi thanh xuân của mình, và tiếc người mẹ tần tảo của cô cũng không còn kịp chứng kiến con gái mình bình phục sau 20 năm chăm bẵm.
Theo Minh Tâm (Phụ Nữ Việt Nam)