Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam hiển thị với màu đỏ sẫm, thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỉ lệ ước tính 218/100.000 dân nhưng số lượng đơn vị điều trị đột quỵ ở nước ta hiện còn ít, đáng báo động.
Thông tin này được PGS Nguyễn Huy Thắng – chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) – chia sẻ với Báo Tuổi Trẻ ngày 1-8.
Với dân số gần 100 triệu người, số ca đột quỵ ở nước ta sẽ vào khoảng 200.000 ca mỗi năm. Dù vậy, số lượng đơn vị đột quỵ tại Việt Nam hiện tại rất đáng báo động.
Theo ông Thắng, đơn vị đột quỵ đầu tiên bắt đầu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, cho đến nay sau 18 năm đã có 110 đơn vị đột quỵ (hoặc trung tâm đột quỵ) được thành lập trên toàn quốc. Trong khi nhu cầu cần trên 400 đơn vị/trung tâm.
Phần lớn các đơn vị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ.
Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.
Trong khi đó, cứ 1 đơn vị đột quỵ tại nước ta phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm, so với Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ.
“Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới. Chí ít cũng phải 200, để đạt con số 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ. Hy vọng sẽ đạt được con số 200 đơn vị đột quỵ trong 8 năm tới”, PGS Thắng chia sẻ trên Tuổi Trẻ.
Làm gì để phòng ngừa bệnh đột quỵ?
Trao đổi với VietNamNet, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đột quỵ được đánh giá là “căn bệnh tử thần thời đại 4.0”. Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, do đó dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê,…
Hiện nay có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,…) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền).
Theo bác sĩ Thắng, để phát hiện người đột quỵ, có thể nhận biết và xử trí qua câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”, hoặc các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST.
Nhiều bệnh nhân đợt quỵ sau khi điều trị ổn đã ngưng khám, ngưng uống thuốc, hoặc tự mua thuốc theo toa cũ. Việc này gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Để phòng ngừa tái phát đột quỵ, người bệnh cần ghi nhớ: tăng cường vận động, giảm cân chống béo phì, không ăn nhiều mỡ béo, chất ngọt, đường, bột, muối mặn, ăn nhiều rau củ, trái cây, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo thường, bệnh tim, chữa tăng cholesterol máu, bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia,…
Ngoài những yếu tố này, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm từ kết quả tầm soát đột quỵ để kiểm soát 3 nhóm nguyên nhân lớn gây đột quỵ cho người bệnh gồm: xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh lý mạch máu nhỏ.
PN (SHTT)