Tập thể dục, xương khớp kêu mà không đau thì không có gì phải lo ngại. Còn nếu kèm theo các triệu chứng sưng, đau thì tốt nhất bạn nên đi khám.
Nhiều người khi tập thể dục hay vận động là thấy phát ra tiếng lục cục trong xương. Tiếng kêu này khiến nhiều người lo lắng vì nghĩ mình mắc bệnh liên quan đến xương khớp.
Theo các chuyên gia y tế, thực chất đây là tiếng kêu do hiện tượng túi chứa dịch trong khớp bị kéo căng đột ngột và phát ra âm thanh. Khi khớp xương phát ra âm thanh lục cục hay răng rắc chủ yếu do 2 vấn đề: Một là sụn và xương dưới sụn bị bào mòn; hai là dịch khớp bị suy giảm chất lượng.
Các âm thanh phát ra từ khớp nếu không kèm theo các triệu chứng đau, sưng… và bạn cảm thấy thoải mái thì đó là “chuyện thường tình ở huyện”, bạn không cần phải lo ngại. Nhưng một khi khớp xương bị kêu và kèm theo các triệu chứng sưng, đau thì tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.
Tập thể dục cần làm gì khi phát ra tiếng lục cục trong xương
Trong khi tập thể dục, nếu chỉ thấy xuất hiện tiếng lạo xạo đơn thuần, không có triệu chứng gì khác kèm theo thì bạn không nên ngừng hoạt động, bởi bất động khớp kéo dài khiến người bệnh dễ bị cứng khớp. Hàng ngày, bạn nên tập luyện vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm hạn chế bệnh lý xương khớp tiến triển.
Để an toàn, tốt nhất bạn cần tránh các tư thế ngồi xổm, hạn chế lên xuống cầu thang. Tránh ngồi hàng giờ cong vẹo người khi làm việc, xem tivi. Không nên thực hiện động tác bẻ ngón tay kêu răng rắc vì sẽ làm chấn thương dây chằng hay mặt khớp.
4 việc nên làm để tốt cho xương khớp
Xây dựng thực đơn hợp lý
Cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và chế độ tập luyện phù hợp để cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự hoạt động của khớp. Nên ăn uống đa dạng để có thể giảm nguy cơ khô khớp. Những thực phẩm có thể bổ sung đủ dinh dưỡng trên như cá, tôm, thịt, trứng, sữa, rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc…
Giữ cân nặng hợp lý
Nếu đang bị thừa cân béo phì thì cần có chế độ ăn uống và tập luyện để duy trì cân nặng hợp lý. Tránh việc gia tăng trọng lượng làm tăng sức nặng cho khớp, khiến cho khớp thoái hoá nhanh hơn.
Tập thể dục đều đặn
Đây là một biện pháp giúp duy trì sự dẻo dai của khớp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Lựa chọn một môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga… để tập mỗi ngày cũng là biện pháp giảm tiếng kêu khi hoạt động khớp.
Tránh vận động sai tư thế
Tránh việc mang vác quá nặng gây tổn thương cho khớp và phần mềm quanh khớp. Hạn chế những vận động sai tư thế và hạn chế việc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Đặc biệt nên bỏ thói quen bẻ ngón tay, ngón chân, vặn lưng, vặn cổ, cúi người bê vác đồ… vì có thể gây tổn thương tới khớp về lâu dài.
Theo M.H (Giadinh.suckhoedoisong.vn)