Thói quen tạm dừng báo thức, để chuông báo thức lặp lại nhiều lần tưởng chừng có thể giúp ngủ nướng hoặc tỉnh táo hơn sau khi thức giấc, thế nhưng chính điều này lại tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường đến sức khỏe.
Thức dậy sớm đối với một số người có thể rất dễ dàng, nhưng có người lại rất khó khăn và tìm đủ mọi cách để “ngủ nướng”. Thậm chí, khi chuông báo thức vang lên, chúng ta lại cố nhoài người, mắt nhắm mắt mở tìm điện thoại hoặc đồng hồ để tắt chuông, lấy gối úp lên đầu và ngủ tiếp.
Có người lại hẹn chuông đến 2 hoặc 3 lần để “vớt vát” thời gian ngủ nướng. Tuy nhiên, theo khoa học nếu bạn thường xuyên có hành động hẹn đi hẹn lại và ngủ thêm, e rằng nó sẽ không tốt cho sức khỏe.
Giáo sư Matthew Walker – nhà thần kinh học, giám đốc Trung tâm Khoa học về giấc ngủ tại Trường Đại học Califonia (Mỹ) cho biết, thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh.
Theo đó, khi chúng ta đang ngủ và bị đánh thức bằng tiếng chuông đồng hồ, tất cả các cơ quan trong cơ thể sẽ được đánh thức và hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng ta tắt đi và ngủ tiếp, hệ tuần hoàn và thần kinh lại đi vào chệ độ “nghỉ” và giảm hoạt động.
Khi tiếng chuông báo thức lặp lại sau 1 thời gian ngắn, điều đó đồng nghĩa với việc hệ tuần hoàn và hệ thần kinh bị tác động liên tục, chúng phải thay đổi liên tục từ trạng thái nghỉ sang làm việc rồi nghỉ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Việc thay đổi liên tục và lặp đi lặp lại này nhiều lần sẽ gây tác động xấu đến 2 cơ quan này.
Theo nghiên cứu của Trường ĐH Harvard (Mỹ), việc đặt báo thức nhiều lần cách 5 phút có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể sẽ tự động tiết ra hormone adenosine giúp ngăn chặn sự kích thích và thúc đẩy giấc ngủ, khiến tăng cảm giác “thèm” ngủ, hormone này có thể khiến suy nhược hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy khi đặt điện thoại sát bên người suốt một đêm dài, sóng bức xạ từ điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rụng tóc…, về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra thêm vài phút cho mỗi lần báo thức sẽ không giúp tỉnh táo hơn; mà thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, uể oải, khó tập trung khi thức giấc.
Do vậy, nếu bạn đang có thói quen đặt đồng hồ báo thức ở nhiều khung giờ liên tục, hay bỏ ngay thói quen này và chỉ đặt ở 1 thời điểm nhất định để rèn thói quen dậy sớm.
Cách giúp bạn tỉnh táo và thức dậy ngay sau tiếng chuông báo thức
1. Để đồng hồ báo thức xa tầm với
Đặt đồng hồ của bạn ở thật xa tầm với để ngăn chặn thói quen với tay tắt chuông khi tỉnh dậy mỗi sáng. Khi đặt đồng hồ ở xa giường, nếu bạn muốn tắt nó thì phải đứng dậy và ra khỏi giường, các nhà khoc học cho rằng, khi bạn đứng dậy hoạt động sẽ giúp tỉnh táo hơn và từ bỏ ý định ngủ tiếp.
2. Tự thưởng cho mình những hoạt động thú vị
Não chúng ta phản ứng rất tốt với các hoạt động kích thích, thú vị. Do vậy, nếu bạn muốn không bị lãng phí thời gian vào những giấc ngủ ngắn, hãy lập kế hoạch cho mình bằng một số hoạt động tinh thần thú vị vào buổi sáng.
Ngay sau khi chuông báo thức kêu, hãy tỉnh dậy và bật đèn hoặc kéo rèm cho ánh sáng tràn vào phòng ngủ. Khi bạn đã tỉnh táo hãy thực hiện một số hoạt động kích thích não bộ sau:
– Đọc cuốn sách yêu thích của bạn
– Chơi 1 loại nhạc cụ
– Chơi game trên máy tính
3. Thức dậy, pha cà phê và thưởng thức
Chúng ta đều biết rằng, caffeine hoạt động như một chất kích thích mạnh đối với não và hệ thần kinh của bạn. Hiệu quả này được phát huy ngay cả khi chỉ cần bạn ngửi mùi cà phê. Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên chuột và phát hiện ra rằng, mùi cà phê có thể kích hoạt một số gen trong não theo cách làm giảm tác động của việc thiếu ngủ.
4. Tăng nhiệt độ phòng
Bạn có thể đặt hẹn giờ điều hòa hoặc không bật điều hòa quá lạnh khi ngủ. Vào buổi sáng khi cơ thể chuẩn bị tỉnh, hormone “thức dậy” được giải phóng, nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên, nếu nhiệt độ phòng quá lạnh, cơ thể sẽ chưa sẵn sàng để thức giấc và rời khỏi chiếc giường ấm cúng.
5. Đi ngủ sớm
Nếu bạn liên tục cảm thấy khó khăn trong việc thức dậy vào buổi sáng, trước khi thử bất kỳ phương pháp nào khác hãy thiết lập lại đồng hồ sinh học bằng cách đi ngủ sớm hơn, nguyên tắc là bạn phải nghiêm khắc với chính mình. Bạn có thể thực hành một số quy tắc cơ bản sau:
– Cố định thời gian dừng công việc mỗi tối
– Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng màu xanh lá trước khi ngủ
– Tránh các chất kích thích như rượu, nicotine, ăn quá nhiều, caffeine vào buổi tối
– Chỉ nên tắm nước ấm cách 2 giờ trước khi đi ngủ
PN (SHTT)