Sữa, trứng, cá, các loại hạt là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất cho người ăn với các biểu hiện từ nhẹ tới nặng.
Sử dụng các loại thực phẩm gây dị ứng có thể kích thích phản ứng miễn dịch, dẫn đến phóng thích histamine vào da và gây nổi mề đay mẩn ngứa.
Dị ứng thực phẩm là tình trạng một hoặc một số loại thực phẩm nhất định gây đáp ứng miễn dịch bất thường. Đó là do hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm một số protein có trong thực phẩm là tác nhân gây hại, từ đó khởi động hàng loạt cơ chế bảo vệ bao gồm cả giải phóng những hóa chất như histamine gây viêm.
Các thực phẩm gây dị ứng
Thứ nhất, sữa bò: Dị ứng sữa bò thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ tiếp xúc với protein sữa bò từ trước khi 6 tháng tuổi.
Cách duy nhất để điều trị là tránh sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò, bao gồm các đồ ăn và thức uống như: sữa tươi, bột sữa, pho mát, bơ, dầu thực vật, sữa chua, kem.
Thứ hai, trứng: Dị ứng trứng là loại dị ứng thực phẩm phổ biến thứ hai ở trẻ em. Tuy nhiên có tới 68% những đứa trẻ dị ứng với trứng sẽ không còn dị ứng nữa khi 16 tuổi. Các triệu chứng dị ứng bao gồm: Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng, phản ứng da, mẩn đỏ, nổi mề đay, các vấn đề về hô hấp, phản ứng phản vệ hiếm gặp.
Thứ ba, các loại hạt của quả có vỏ cứng: Hạt quả hạch Brazil, điều, hạnh nhân, mắc ca, dẻ cười, thông, quả óc chó.
Những người dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng dị ứng với các sản phẩm chứa bơ hạt, dầu thực vật. Người dị ứng với một hoặc hai loại hạt vẫn được khuyên nên tránh sử dụng tất cả vì nguy cơ phát triển dị ứng đối với những loại hạt khác.
Thứ tư, lạc: Đây là loại dị ứng rất phổ biến và có thể đe dọa tính mạng. Dị ứng với hạt lạc được xếp loại riêng so với dị ứng các loại hạt của quả có vỏ cứng, dù những người dị ứng với lạc cũng thường dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng.
Thứ năm, động vật có vỏ: Dị ứng với động vật có vỏ là dị ứng với thức ăn từ các loài giáp xác và nhuyễn thể như tôm, cua, mực, sò điệp…
Triệu chứng của dị ứng với động vật có vỏ thường tiến triển nhanh và tương tự như các dị ứng thực phẩm IgE khác. Thậm chí, có người chỉ cần ngửi mùi trong quá trình chế biến thức ăn cũng đã đủ để biểu hiện dấu hiệu dị ứng. Dị ứng với động vật có vỏ thường kéo dài suốt đời, do đó người bị dị ứng cần loại bỏ toàn bộ động vật có vỏ ra khỏi chế độ ăn.
Thứ sáu, lúa mì: Dị ứng với lúa mì gây ra bởi đáp ứng dị ứng với một hoặc một số protein trong lúa mì. Loại dị ứng này ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ em, mặc dù tình trạng dị ứng thường biến mất khi trẻ 10 tuổi.
Thứ bảy, đậu nành: Điểm đặc biệt của dị ứng với đậu nành là có một số trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng dị ứng với cả đậu nành.
Vì đậu nành là thành phần phổ biến trong nhiều loại thức ăn nên cần đọc kĩ nhãn sản phẩm, bởi những người dị ứng cần loại bỏ đậu nành khỏi chế độ ăn.
Thứ tám, cá: Khác với các loại dị ứng khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện sau khi đã trưởng thành.
Triệu chứng dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định. Ngay cả khi sử dụng một lượng rất nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể gây ra các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, sưng đường hô hấp hoặc nghiêm trọng hơn là bị sốc phản vệ.
Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc từ vài phút tới vài giờ, bao gồm:
– Phù mặt, miệng, lưỡi
– Khó thở
– Huyết áp thấp
– Nôn
– Tiêu chảy
– Nổi mề đay
– Mẩn ngứa
Ở những trường hợp nặng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ. Các triệu chứng sẽ xuất hiện và tiến triển rất nhanh, bao gồm mẩn ngứa, phù họng hoặc lưỡi, khó thở và hạ huyết áp. Phản ứng phản vệ có thể đe dọa tính mạng.
Để phòng dị ứng thực phẩm, người ăn cần có sự hiểu biết và không nên sử dụng các loại thực phẩm đã từng có dấu hiệu dị ứng trước đó.
Khi ăn uống cần chắc chắn không sử dụng các loại thực phẩm đang gây dị ứng hoặc có thể lây nhiễm chéo dị nguyên từ dụng cụ, phương tiện chế biến khác.
Trong trường hợp trẻ em bị dị ứng thực phẩm cần có biện pháp phòng ngừa như: tuyên truyền, phổ biến đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, người nhà thường xuyên tiếp xúc với trẻ những lưu ý liên quan đến dị ứng thực phẩm. Kiểm tra kỹ nhãn mác thực phẩm đảm bảo không chứa các thành phần bị dị ứng.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)