Bệnh suy giãn tĩnh mạch khiến Trấn Thành hạn chế xuất hiện trên truyền hình, thường gặp ở người đứng, ngồi lâu, gây đau và khó chịu ở chân.
Mới đây, trong một gameshow truyền hình Trấn Thành lần đầu xác nhận bản thân bị chẩn đoán mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân. Nam MC cho biết một trong những nguyên nhân khiến anh mắc căn bệnh này là do phải đứng quá nhiều trong thời gian dài. Hiện, các bác sĩ khuyến cáo anh nên nghỉ ngơi.
Giãn tĩnh mạch là gì?
Giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh tiếp tục tiến triển sẽ làm dòng máu động mạch tới nuôi chân cũng bị giảm theo.
Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Suy giãn tĩnh mạch ở người trẻ có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có 6 mức độ từ C1 – C6. Trong đó, C1 là giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới, C2 là giãn tĩnh mạch lớn dưới da trên 3 mm, C3 là phù, C4 thì chàm da, C5 nghĩa là loét da có thể lành, C6 là loét da không lành.
Nguyên nhân gây bệnh giãn tĩnh mạch
– Yếu tố di truyền: Theo thống kê thì khoảng 80% bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch có cha hoặc mẹ mắc bệnh.
– Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén và sở thích mang giày cao gót.
– Tuổi cao: Tuổi càng cao thì nguy cơ giãn tĩnh mạch càng cao.
– Nghề nghiệp: các nghề phải đứng quá lâu hay ít vận động như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng,…
– Khối lượng cơ thể: gây tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân
– Sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ.
– Các bệnh lý nhiễm trùng, khối u, sau phẫu thuật có biến chứng tắc mạch, viêm mạch và các thủ thuật khác như bó bột hay phải nằm bất động lâu trong gãy xương… cũng có thể dẫn tới bệnh giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch
– Cảm giác tức nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng quá lâu
– Thỉnh thoảng xuất hiện phù nề ở cẳng chân và bàn chân
– Đau khi đi lại nhiều
– Sưng nề và tím ở cẳng chân và mu bàn chân
– Cảm giác tê, ngứa ở chân, nặng hơn có thể viêm da, xơ cứng, lở loét
Chỉ khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng người bệnh mới tìm cách để điều trị. Khi đó, bệnh đã gây ra nhiều biến chứng và rất khó để khắc phục hoàn toàn. Do đó, khi phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh giãn tĩnh mạch
Tùy vào từng bệnh nhân và tiến triển của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một biện pháp riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp dưới đây:
Điều trị bảo tồn
Dùng băng ép và vớ tạo áp lực: Băng và vớ có tác dụng ép vào các bắp cơ, tạo một áp lực lớn ở phía dưới và giúp các van tĩnh mạch khép lại, do đó giúp máu lưu thông về tim dễ dàng hơn. Hai dụng cụ này giúp làm chậm tiến triển của bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát và hỗ trợ các biện pháp điều trị ngoại khoa.
Dùng thuốc: dùng thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ tĩnh mạch theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Chích xơ: một dung dịch sẽ được tiêm vào tĩnh mạch gây phản ứng viêm kết hợp với nén ép tĩnh mạch, khiến máu không vào được tĩnh mạch bị giãn, kết quả là tĩnh mạch đó bị xơ hóa và không còn hoạt động nữa.
Phẫu thuật: được áp dụng cho trường hợp tổn thương tĩnh mạch nông, đoạn tĩnh mạch bị giãn sẽ bị cắt bỏ thông qua các đường rạch nhỏ. Ca phẫu thuật thường kéo dài khoảng 5-10 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng ép và nằm bất động trên giường khoảng ba ngày.
Điều trị can thiệp nội mạch
Tại Hoa Kỳ, phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch đã được thay thế bằng phương pháp cắt đốt nhiệt nội mạch qua ống thông (EVTL). Phương pháp này sử dụng năng lượng laser hoặc sóng cao tần. EVTL được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm và gây tê tại chỗ.
Trong thủ thuật EVTL, một ống thông được đưa vào tĩnh mạch hiển cách chỗ nối tĩnh mạch hiển-đùi vài centimet. Ống thông được kết nối với máy phát điện bên ngoài, và khi ống thông được rút ra khỏi tĩnh mạch, năng lượng nhiệt được giải phóng nơi ống thông được đặt vào. Kết quả là nơi tĩnh mạch trào ngược bị loại bỏ, máu chỉ chảy qua những tĩnh mạch “khỏe mạnh” khác.
Sau điều trị can thiệp nội mạch, siêu âm kiểm tra trong tuần đầu tiên, tập trung vào vùng tiếp giáp tĩnh mạch hiển-đùi.
Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch
– Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
– Khi nghỉ ngơi, nên kê chân cao
– Ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước
– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày
– Có thể xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.
– Hạn chế đi giày cao gót.
– Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai.
PN (SHTT)